Tuesday, October 13, 2009

Tập thơ CHIẾN TRƯỜNG XƯA của Vũ Uyên Giang

Phần 1:


Những bài thơ cũ trích trong Tập thơ MỘT THỜI LỤC BÁT MIỀN NAM do Thư Ấn Quán xuất bản năm 2008 (do Trần Hoài Thư tìm được thất lạc đâu đó) và một số bài viết trong chiến trận trước 1975

TRƯỚC KHI ĐI


Rời bỏ phố phường

Từ tôi rời bỏ phố phường
Bâng khuâng môi mắt lạ thường chiêm bao
Trũng sâu sau lũy chiến hào
Đêm nằm góp nhặt chuyện nào ngày xưa.

Người thân

Người thân nhắn nhủ trăm điều
Xin cho tôi nhớ bao nhiêu lời này
Anh, em trong cuộc trả vay
Tôi xin, xin chúc – một ngày bình yên

Em về

Em về trong nắng hồng đào
Môi xinh mơn mởn ngọt ngào tình yêu
Và anh bỗng thấy nhớ nhiều
Nhìn lên mây trắng phiêu phiêu ru hồn
Xa, xa hơi ấm môi hôn
Vòng tay bạch tuộc nghe còn khát khao

Cho các em tôi

Anh đang ấp ủ tình thương
Các em nhìn suốt đoạn đường anh đi
Buồn giăng giăng trên bờ mi
Xa xa nỗi nhớ thầm thì nửa đêm

VŨ UYÊN GIANG
Saigon, 1968 trước khi nhập ngũ

LỤC BÁT

Xa con phố nhỏ ưu phiền
Nghe triền miên lở giữa miền rêu xanh
Thả chân đếm bước độc hành
Sầu lên trên mắt ngọn ngành hoang vu
Trong cơn vần vũ sa mù
Em cao giọng hát tình thu gợi hồn
Ơi ! Em thơm ngát môi hôn
Xa con phố nhỏ em còn nhớ thương

VŨ UYÊN GIANG
Saigon 1968

TỪ GIÃ SÀI GÒN

Tặng NTB


Vẫy tay từ biệt phố phường
Từ nay xa cách mái trường ngày xưa
Đi vào chiến cuộc từng giờ
Bỏ sau lưng thuở mộng mơ hẹn hò
Chia tay em đứng bơ vơ
Thuyền neo bến đợi trông chờ người xa
Nhìn em khoé mắt nhạt nhòa
Trong ta như có vỡ òa niềm đau
Người đi biền biệt lũng sâu
Cành hoa phượng vỹ nhạt màu trước sân
Mắt em chờ đợi võ vàng
Hắt hiu ngõ vắng, lỡ làng dấu chân
Người đi mù mịt quan san
Chiến tranh chia cách bao lần lứa đôi ?

VŨ UYÊN GIANG
Saigon 1968


DI HÀNH ĐỒI TĂNG NHƠN PHÚ
Bài thơ này đã đăng tải trong tờ báo Bộ Binh Khóa 6/68


Di hành dã ngoại bên ngoài
Gần khu Chợ Nhỏ bên đồi Tăng Nhơn
Trên tay em một nặng dần (1)
Vai ba lô trĩu, bước chân rã rời
Thoảng nghe tiếng hát chơi vơi
Bay theo như có những lời mẹ ru
Chao ôi! Trong cõi mịt mù
Mảnh quân bài cũng thiên thu bồi hồi
Thao trường ướt đẫm mồ hôi
Chiến trường xa lại giữ đời chiến binh (2)
Gót giày sô buổi đăng trình
Bâng khuâng theo những địa hình chung quanh
Ngày mai nối bước quân hành
Rời xa Thủ Đức biên thành xa xăm.

VŨ UYÊN GIANG
Đồi Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức 1968
(1) Súng Garant M.1
(2) Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu

ĐƯỜNG RA BIÊN GIỚI

Đường xa hun hút mịt mùng
Giầy saut áo trận, chập chùng kẽm gai
Mây giăng trên đoạn đường dài
Gò Dầu Hạ đã miệt mài đời trai
Còn đây một mảnh hình hài
Xa xa biên giới chợ trời nhấp nhô
Quấn mình trong mảnh poncho
Mưa như thác đổ co ro lạnh lùng
Giấu trong tâm sự não nùng
Trừng con mắt ngó mung lung đêm dài
Đường ra biên giới hôm nay
Ta nghe như có một vài khúc quanh

VŨ UYÊN GIANG
Gò Dầu Hạ, Tây Ninh 1969


TRÊN BẾN PHÀ NEKLEUNG


Dừng chân trên bến Nekleung
Đoàn quân mỏi gót, chiều buông hững hờ
Chao ơi nước mắt chan hòa
Nhìn bao thân xác vật vờ nổi trôi
Viễn chinh trên đất nước người
Thương cho dân Việt sống đời lưu vong
Sông kia nước chảy xuôi giòng
Bọn người tàn ác ‘’cáp duồn’’ thả sông (1)


VŨ UYÊN GIANG
(Viết tại Nekleung 1970 khi theo Chiến đoàn 333 Biệt Động Quân tiến quân sang Campuchia. Dừng quân ở Bến phà Nekleung thuộc tỉnh Svay Rieng nhìn thấy những xác người Việt bị người Miên giết thả trôi sông)
(1) Người Kampuchia gọi người Việt là ‘’Duồn’’ với hàm ý miệt thị cũng như người Việt gọi họ là Miên. Cáp duồn có nghĩa là giết người Việt

Ở TỈNH KAMPONG CHAM


Hành quân trên đất xứ người
Nước non Chùa Tháp thương đời nổi trôi
Một đi xa thẳm chân trời
Cao Miên ta cũng một thời viễn du
Ngoảnh trông quê Việt thâm u
Xa xôi tít tắp mịt mù chiến tranh
Chìm trong bom đạn tan tành
Buồn cho số kiếp tủi thân phận người
Lâm thôn rộn rã tiếng cười (1)
Xem ra có chút ngậm ngùi bên trong

VŨ UYÊN GIANG
Viết ở Tỉnh Kampong Cham 1970
Sau khi Lon Non đảo chánh Quốc trưởng Shihanouk năm 1970, Kampong Chàm là nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Đệ Nhất Quân Khu của Quân đội Kampuchia lúc đó do Đại tá In Tam làm Tư Lệnh.
(1) Lâm thôn: một điệu múa cổ truyền của dân tộc Khmer


GẶP BẠN Ở CỦ CHI
(Nhớ lúc gặp Lê Văn Nhì ở Củ Chi)


Tao ghé Củ Chi một buổi chiều
Gặp mày trong quán cóc đăm chiêu
Dáng ngồi thất thểu nhìn xa vắng
Điếu thuốc vàng tay, vách lá xiêu

Tóc xõa lòa xòa che lấp mặt
Trông mày hốc hác tựa thây ma
Con ngươi đỏ quạch thâm quầng mắt
Khóc bạn hồi hôm chết trận xa.

Tao uống với mày cũng mấy chai
Thương đời lính chiến nặng đôi vai
Trót sinh ra giữa thời tao loạn
Phải sống kiêu hùng, thỏa chí trai

Đại đội mày đóng xóm Gia Ba
Vùng Long Tuy Hạ, ấp Ba Xa
Tao với mày ngồi trong quán cóc
Chiều hôm buông xuống, lính xa nhà

Tao ở Tây Ninh mới trở về
Thấy mày ngồi đó ghé ngang qua
Bọn mình xa cũng lâu rồi nhỉ
Từ lúc ra trường Thủ Đức kia.

Trận chiến này xem ra rất lâu
Cộng quân phương bắc dẫu thua đau
Hy sinh bao lớp người trai trẻ
Vẫn chẳng quan tâm quyết lấn sâu.

Quận lỵ Củ Chi chỗ ngã tư (1)
Nằm bên quốc lộ, chiều âm u
Hai thằng lính chiến đời sương gió
Ngất ngưởng say trong gió mịt mù

Hãy cạn ly này đâu dễ say
Xá gì lẻ tẻ vài ba chai
Cuộc đời sống chết không cần biết
Hãy cứ vui rồi mai sẽ hay.

VŨ UYÊN GIANG
Củ Chi, Hậu Nghĩa 1971
(1) Quận lỵ Củ Chi nằm kế Quốc Lộ 1 gần ngã tư đi Sàigon, Hậu Nghĩa, Tây Ninh và Phú Giáo (Bình Dương)

MAI
( Tặng cô giáo tên Mai ở Hậu Nghĩa)

Này em mắt biếc môi hồng
Nụ cười hoa nở, nát lòng chinh nhân
Dung nhan tươi thắm vô ngần
Khiến chân lính chiến bâng khuâng không rời
Mai về, lòng những bồi hồi
Mang bao hoài niệm bên đời chiến binh

VŨ UYÊN GIANG
(Khiêm Cương, Tỉnh Hậu Nghĩa 1971)

TRONG RỪNG NÚI TÂY NINH

Mênh mông rừng núi bạt ngàn
Cỏ gai làm vướng gót chân giang hồ
Trừng con mắt giữa bâng quơ
Bao nhiêu cạm bẫy rình mò chung quanh
Mấy tên giặc cộng trốn nhanh
Một vùng lửa đạn tan thành bụi tro.

VŨ UYÊN GIANG
(Hành quân Tây Ninh 1972)


XUÂN TRÊN CHIẾN ĐỊA

Tặng anh Bé và Trạch, cùng những người bạn tôi trong trận Đặc công VC tấn công vào căn cứ Lai Khê


Những thằng lính chiến trên vùng hỏa tuyến
Đón xuân về chẳng có cánh hoa mai
Ánh hỏa châu soi sáng suốt đêm dài
Tiếng súng địch vang rền hơn pháo tết
Mày với tao trong căn hầm chật hẹp
Mắt trừng trừng xé tăm tối trùng vây
Lỗ châu mai hai đứa vẫn sát vai
Ghìm tay súng diệt bao tên giặc cỏ
Từng tiếng nổ là từng cơn phẫn nộ
Trong đêm sâu dường như bỗng bùng lên
Viên đạn đồng lao vút xé màn đen
Từng xác giặc bên hàng rào phòng thủ
Giặc xảo trá định chơi trò xưa cũ
Lợi dụng đêm xuân để tấn công ta
Anh em ta không mắc kế lũ gian tà
Nên phòng thủ vững vàng chờ giặc đến
Bao trai trẻ anh hùng trong cuộc chiến
Giữ vững niềm tin bảo vệ non sông
Từng tấc đất thấm xương máu cha ông
Cần phải giữ dù phơi thây trận địa
Ta phải sống kiên cường cho đúng nghĩa
Có chết đi môi vẫn nở nụ cười
Vì đã xong bổn phận một con người
Không nuối tiếc khi hy sinh vì nước.
Xuân chiến địa súng luôn ghìm phía trước
Đón xuân sang bên lô cốt ngày đêm
Lính chỉ vui khi dân chúng bình yên
Xuân của lính chẳng trà ngon rượu qúy.

VŨ UYÊN GIANG
Xuân 1971 khi VC tấn công vào Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh trú đóng ở căn cứ Lai Khê (Bình Dương)


SUỐI SÂU PHÁ CHỐT

Giặc cộng chốt (1) ở Suối Sâu
Trên Quốc Lộ 1 cắt cầu thông sang
Ta nằm tại Quận Trảng Bàng
Nhìn về An Tịnh lòng hoang mang chờ
Trong cơn lửa khói mịt mờ
Thằng Thừa Thiên (2) chặn lối về của ta.
Quân lên tiếp viện tà tà
Nghỉ ngơi ở chỗ xa xa không màng
Đêm xuống, quân ta sẵn sàng
Bò lên chốt giặc hàng ngang diệt thù
Hét vang! Lựu đạn tung mù
Bao nhiêu tiếng nổ, quân thù nát tan
Ta nằm, địch chạy trên đường
Bầy nhầy xác địch một con chẳng còn.
Qua đêm chốt đã phá xong
Sáng ra quốc lộ thông thương như thường
Ta rời quận lỵ Trảng Bàng
Nhớ ơi bánh tráng phơi sương Gia Huỳnh

VŨ UYÊN GIANG
Trảng Bàng 1972
(1) Chiến thuật chốt chặn của VC
(2) Thừa Thiên mật danh của Trung đoàn 101 của VC hoạt động ở Miền Đông

THA LA XÓM ĐẠO

Lộc Giang có ấp An Hòa,
Nhà thờ xóm đạo Tha La hiền lành
Một thời lửa khói tan tành
Vần thơ “hoa trắng” (1) đã đành đoạn chưa?
Tôi về ngang xóm chiều mưa
Nhìn màu áo tím đi qua nhà thờ
Bỗng dưng nhớ lại chuyện xưa
Kiên Giang ngày ấy vần thơ thuở nào
Có còn mơ chuyện trăng sao
Còn ôm hoang tưởng ra vào hay không?

VŨ UYÊN GIANG
Trảng Bàng 1972
(1) Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím, tên một bài thơ của Kiên Giang viết về Tha La xóm đạo


Ở THẾ GIỚI NÀO CŨNG ĐẮNG CAY

Bạn mày rũ áo trận đêm qua
Nước mắt làm sao chẳng nhạt nhòa ?
Khóc cho thân phận đời chinh chiến
Và khóc những thằng chết trận xa

Lính chiến đi bao giờ trở lại ? (1)
Thân trai trong lửa khói quê nhà
Bảo vệ quê hương còn phải hỏi
Giữ cho yên ấm hậu phương xa

Cũng rót một ly cho bạn bè
Những thằng bạn chết chốn sơn khê
Tuyến đầu khói súng mù binh lửa
Quyết chí hy sinh giữ cõi bờ

Tuổi trẻ lao vào cuộc chiến chinh
Dù luôn mong ước sống yên bình
Giặc thù xâm lược từ phương Bắc
Bờ cõi toàn dân quyết giữ gìn

Mày hãy uống thêm nữa để say
Sống trên trận mạc được bao ngày?
Anh hùng không rượu anh hùng nhát
Hào khí ngất trời ta cứ say

Tao cũng vào thêm dăm bảy chai
Cho dù sống chết, để mai hay
Uống giùm thằng bạn vừa nằm xuống
Ở thế giới nào cũng đắng cay.

VŨ UYÊN GIANG
1972
(1) Cổ nhân chinh chiến kỷ nhân hồi


TRONG QUÂN Y VIỆN TÂY NINH

Bây giờ mang kiếp ngựa què,
Trong Quân Y Viện bốn bề thương binh
Đời trai với nghiệp chiến chinh
Nhìn xe chở xác lặng thinh, sũng buồn
Từng giòng lệ héo rơi tuôn
Khóc cho bè bạn thoát vòng nghiệt oan
Trong ta như có cô đơn
Hàng cây ủ rũ tủi hờn khăn tang
Bóng người đi buổi chiều tàn
Ngả nghiêng nạng gỗ ngỡ ngàng xác thân
Nỗi đau chừng đã lớn dần
Chao ơi nỗi chết vờn quanh mọi người

VŨ UYÊN GIANG
Khi bị thương nằm Quân Y Viện Tây Ninh 1972

GIÃ TỪ VŨ KHÍ

Từ ta rời bỏ chiến trường
Giã từ vũ khí tưởng chừng chiêm bao
Nhớ xưa trừng mắt chiến hào
Trong đêm tiếng súng ào ào bủa vây
Bây giờ ngồi ngắm mây bay
Bình yên nghĩ thuở đắng cay ngày nào
Thương cho tiền kiếp xanh xao
Khóc khi nghe bạn áo bào phơi thây

VŨ UYÊN GIANG
Sàigon Tháng 3/1973 – Khi giải ngũ


TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA

(Nhớ khi gặp Nguyễn Trọng Côi thuộc Sư đoàn 25 Bộ Binh ở quán Café Thằng Cuội Tây Ninh)


Ta quay trở lại Tây Ninh
Không mang thân phận chiến binh thuở nào
Không còn khoác mảnh chiến bào
Hai bàn tay trắng đi vào chiến tranh
Paris thỏa ước hòa bình
Chỉ là mảnh giấy mong manh ích gì?
Giặc cộng pháo kích ầm ì
Quân ta thế thủ khác gì trói tay?
Thương thay thế trận hôm nay!
Thời gian còn được bao ngày nữa đâu?
Ngồi trong Thằng Cuội buồn rầu
Gặp mày lưu lạc giải sầu bằng bia
Hai thằng nhậu mãi đến khuya
Tai nghe pháo giặc vọng về suốt đêm

VŨ UYÊN GIANG
Tháng 5/1973 - Khi quay trở lại Tỉnh Tây Ninh


ĐÊM 30 THÁNG 4 NĂM 1975


Ta đã khóc như một thằng trẻ dại
Cúi gục đầu thành chiến bại bất ngờ
Cởi áo bào ta cảm thấy bơ vơ
Khi nghe lệnh phải xếp cờ buông súng.
Tim vỡ vụn mà sao nghe lúng túng
Nhìn quanh mình đạn, súng bỏ tứ tung
Lòng nhói đau thương kiếp sống oai hùng
Nay cúi mặt giấu hờn căm tủi nhục
Cả thành phố đắm chìm trong cảm xúc
Nỗi đau buồn như củi mục cành khô
Thất thểu đi như từng bước xuống mồ
Thương bè bạn hy sinh đời vô ích.
Cuộc chiến tàn nhưng lòng đầy thương tích
Mất quê hương là mất cả tâm hồn.
Kiếp sống thừa không giữ được nước non
Niềm tủi hổ biết bao giờ gột rửa?

VŨ UYÊN GIANG
Saigon tối 30/4/1975