Thursday, October 15, 2009

Tập thơ CHIẾN TRƯỜNG XƯA của Vũ Uyên Giang - Phần 3

CHIỀU TRÊN XỨ NGƯỜI
(Nhật Ngân phổ nhạc)



Những giọt nắng đã ngả màu cỏ úa
Phủ đời ta trên xứ lạ quê xa
Nước mắt nào vừa nghẹn đắng trên môi
Bỗng chợt tắt khi hồn ta dãy chết

Một mình ta ôm nỗi buồn trơ trọi
Phố đông vui như mở hội ngày xuân
Chân bước đi lòng vẫn mãi bâng khuâng
Sấu trăm mối nghĩa trang hồn một cõi

Quãng đời ta, ôi! Chuỗi dài xa lạ
Sống lưu đầy trong biển cả hoang vu
Ta bơ vơ phiêu bạt giữa sa mù
Nghe trống vắng âm u như đáy mộ

Ta nhớ em nắng quái chiều quay quắt
Mãi u buồn từ một thuở xa nhau
Giải sông Ngân ta bỡ ngỡ bân cầu
Chờ Chức Nữ xây thành sầu hắt hiu

VŨ UYÊN GIANG
Bangkok 1982

TRÊN PHỐ BANGKOK

Lang thang trên đất xứ người
Thailand chân bước lạc loài tha hương
Loanh quanh cũng vẫn phố phường
Dòng xe như nước trên đường ngược xuôi
Nhìn nền kinh tế nước ngoài
Bỗng nghe một thoáng ngậm ngùi thương quê
Cộng quân cai trị ê chề
Tập trung cướp sạch, gom về bắc phương
Đánh tư sản, triệt mọi đường
Ngăn sông cấm chợ thảm thương dân tình
Khiến cho đời sống điêu linh
Tự do mất hết phải đành ra đi
Quê hương giã biệt sinh ly
Đánh đổi sinh mạng chỉ vì tự do
Biển kia hung hiểm sóng to
Bao nhiêu tàu lớn làm ngơ không nhìn
Trăm ngàn thân xác đắm chìm
Vùi thây biển dữ vẫn tìm bến mơ
Đường hầm cuối nẻo mong chờ
Trại giam đất Thái vật vờ xác thân

VŨ UYÊN GIANG
Trên đường phố Bangkok tháng 1/1982 nghĩ đến đồng bào tị nạn Việt Nam còn đang bị giam giữ ở Sikiew Detention Camp



XUÂN TỨ


“Thảo sắc thanh thanh, liễu sắc hoàng.
Liễu hoa lịch loạn, lý hoa hương
Đông phong bất vị xuy sầu khứ.
Xuân nhật thiên năng nhạ hận trường”
(Thơ Đường của Giả Chí)


Dịch:


Ý XUÂN

Cỏ vẫn màu xanh, liễu vẫn vàng
Lý, đào ẻo lả ngạt ngào hương
Gió đông chẳng thể xua phiền muộn
Xuân đến cho lòng thêm nhớ thuơng.

(Vũ Uyên Giang) 1992



QUỲNH HOA

Tọa khán quỳnh hoa khai
Bạch, nhất phiến trang đài
Hoa diện như châu ngọc
Hương tỏa trinh nguyên phai


Ngồi xem hoa quỳnh nở
Một màu trắng lung linh
Như mặt hoa hớn hở
Phai nhạt chút hương trinh

VŨ UYÊN GIANG
Charlotte, NC 1999


BỐN MÙA

Xuân

Xuân tươi hé nụ đầu cành
Gió xuân lay động lộc xanh trổ mầm
Ta hồi sinh kiếp trăm năm
Nhìn em xinh xắn ta thầm ươm mơ

Hạ

Hạ buồn giọt nắng lung linh
Em ngồi tựa cửa một mình mộng mơ
Ta về dệt những vần thơ
Gửi theo mây gió bao tờ thư xanh.

Thu

Vàng thu bay kìn không gian
Ta nghe trong gió tiền căn lại gần
Em đi bước khẽ âm thầm
Lệ rơi như vết lăn trầm mong manh

Đông

Mênh mông tuyết phủ lưng đồi
Kiếp tha hương cũng bồi hồi chốn xa
Nhớ nhau lòng bỗng nhạt nhòa
Trong ta như có chan hòa lệ rơi!

VŨ UYÊN GIANG
Chicago, 17 tháng 11 năm 1991



MỘT THOÁNG MÙA XUÂN Ở XỨ NGƯỜI


Đào hoa hé nụ đón mừng xuân
Đôi bướm tung tăng giữa lá cành
Chim cũng họp đàn đua tiếng hót
Dập dìu hè phố bóng giai nhân

Hàng quán muôn màu rộn rã vui
Bâng khuâng, lữ khách chợt bồi hồi
Nghe trong buồn tủi đời vong quốc
Chạnh nhớ quê xa thoáng ngậm ngùi

Một thoáng mùa xuân ở xứ người
Trong lòng hiu quạnh nỗi đơn côi
Bơ vơ lạc lõng trên đường phố
Đã thấy trên môi héo nụ cười.

VŨ UYÊN GIANG
Chinatown San Francisco, CA Xuân 1990


Kỷ niệm Văn nghệ sĩ, Ký giả và Thân hữu:

VŨ UYÊN GIANG: KẺ MÀI GƯƠM RA MỰC

• PHƯƠNG TRIỀU

Nghiêng vai trút nợ phong trần
Sao chân vấp lại mấy tầng oan khiên
Mưa nào qua ngọn biến thiên
Cho ta mọc lại tóc triền miên xanh?
Vội về cho kịp đi nhanh
Vội đi nên lại loanh quanh chẳng về!...
(6 câu thơ Phương Triều tặng Vũ Uyên Giang, trên đường đi từ North Carolina đến Georgia, ngày 7 tháng 1 - 2003)

TRÊN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

Cho dầu đặt mình vào vị trí một công dân của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, đọc đoạn văn sau đây của Vũ Uyên Giang, ta vẫn có ngay ý niệm về tình cảm của đồng bào Miền Nam Việt Nam đối với những quân nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa:
... Chiều 29 Tết, Hiếu Voi và một số anh em thuộc đội 18 của Thượng sĩ già Nguyễn Quang Quýnh, Phòng 2 Tiểu khu Phước Long, đã nhận được nhiệm vụ theo Hậu Cần ra chợ Biên Hòa tải hàng về ăn Tết. Bà con buôn bán ở chợ khi biết đám người ăn mặc rách rưới đang khuân vác hàng là Sĩ quan cải tạo liền bảo nhau “phát động căm thù”; họ ùn ùn kéo nhau đến ném vào những tên “ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân” thôi thì đủ mọi loại: bánh chưng, bánh tét, mứt, kẹo, trà, sữa, đường, thuốc lá v.v... Nhiều người còn dúi cả tiền vào tay những người tù, nhưng các anh không dám nhận vì biết đây là tiền mồ hôi nước mắt lao động chật vật của đồng bào. Trái với sự tuyên truyền bịp bợm của cộng sản:
“Đảng và nhà nước khoan hồng nhân đạo, tạo điều kiện cho các anh ở lại Trại để học tập cải tạo; vì nhân dân bên ngoài đã xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội nên khi gặp các anh, họ sẽ phát động căm thù ném đá vào các anh thì làm sao chúng tôi bảo vệ được? Đảng phải giữ các anh là để bảo vệ an ninh cho các anh...”.
Cái tình cảm của dân chúng Miền Nam dành cho những anh em cải tạo nó bao la như biển rộng mà các anh đã gặp trên khắp mọi nơi. Nhân dân Miền Nam lúc nào cũng dành tình thương mến sâu đậm đối với những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa; nhất là trong hoàn cảnh lao tù; nên bất kỳ ở đâu, khi người tù đi ra ngoài, gặp được dân chúng là y như rằng sẽ được họ tiếp tế đủ mọi thứ theo khả năng của từng nhóm người. Có lẽ đây là một cách họ ngầm cảm ơn sự hy sinh cao cả của anh em khi sả thân phục vụ đất nước bảo vệ sinh mạng và tài sản cho chính họ, nay sa cơ thất thế trong bàn tay bạo tàn của cộng sản, họ tìm cách ngầm trả ơn; nhưng cũng có thể chỉ vì lòng thương cảm cho kẻ thất thế cá chậu chim lồng mà ra tay cứu giúp. Dù sao chăng nữa tình cảm cao quý ấy cũng làm ấm lòng những người tù...
(Trên Đường Biên Giới – các trang 78, 79)
Qua đoạn văn mang tính chất trung thực của loại bút ký của nhà văn nhà báo Vũ Uyên Giang trích trên đây, chúng ta có thể dễ dàng hiểu tại sao, Quân Cán Chính và các thành phần dân cử của Việt Nam Cộng Hòa bị đày đọa khốn khổ trong lao tù cộng sản từ Nam ra Bắc bao nhiêu năm, vẫn giữ vững tinh thần cho tới ngày về. Chúng ta cũng dễ dàng hiểu tại sao, tính đến nay -năm 2004- nghĩa là sau ngót 29 năm cưỡng chiếm Miền Nam, cộng sản vẫn chưa thu phục được lòng dân Miền Nam.
Hai lần tôi đọc lại “Trên Đường Biên Giới” của Vũ Uyên Giang, do Văn Tuyển xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ. Đây là một tập bút ký giá trị, nhưng hình như Vũ không để ý tới chuyện quảng cáo tác phẩm của mình. Nếu không ai nhắc thì anh cũng chẳng nhắc tới. Giống như trường hợp Hoàng Trúc Ly. Bao nhiêu bài thơ tuyệt tác của Hoàng Trúc Ly hầu hết đã thất lạc, thậm chí bạn bè thân cũng chẳng ai có một bức ảnh nào của ông.
Vũ Uyên Giang tên thật Nguyễn Quang Vinh, nguyên ký giả các nhựt báo Miền Nam (Chủ nhiệm: Trần Đình Thân) và Hoà Bình (Chủ nhiệm: Linh Mục Trần Du) trước 1975; nguyên sĩ quan ngành Quân Báo, giải ngũ tháng 1-1973; nhân viên Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sàigòn (1973-1975); bị bắt đi cải tạo từ 1975 – 1981. Vượt biển tìm tự do tới Thái Lan 1981, nhân viên Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Bangkok, Thailand (1981-1983).
Khi định cư tại Hoa Kỳ: Sinh viên Trường Đại học Cộng đồng Wilbur Wright College tại Chicago, Illinois (1983-1986); Chủ bút Chicago Việt Báo (1986-1987); Chủ nhiệm kiêm Chủ bút nguyệt san Thời Việt tại Chicago (1987-1992); Chủ nhân cơ sở thương mại An Hòa Inc. tại Charlotte, North Carolina (từ 1993); Chủ nhiệm kiêm Chủ bút nguyệt san Đất Sống, xuất bản tại North Carolina.
Cùng một tác giả:
-Đi Trên Đỉnh Buồn (Tập truyện 1971 – Việt Nam)
- Thời Hoa Niên (truyện dài thiếu nhi viết hàng ngày trên nhựt báo Hòa Bình 1967, bản thảo đã bị mất)
Sẽ xuất bản:
- Tuyển Tập Thơ Văn
- Vẫn Bền Gan Thà Về Đất Mẹ (Truyện dài)
“Trên Đường Biên Giới” gồm một số truyện mang tính chất bút ký, hồi ký vì những sự kiện và sự việc trong truyện đều có thật sau tháng Tư đen 75. Tác giả kể lại những kỷ niệm trong tù với nhà văn (đã quá cố) Dương Hùng Cường, với Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu (tác giả bức tượng Thương Tiếc đặt tại Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa); kỷ niệm với thi sĩ Bùi Giáng; những chuyện xảy ra năm 1982 tại vùng biên giới Thái - Miên Aranya Prathet (trường hợp phi công Lý Tống bị giam giữ tại nhà tù Aran); thời gian đầu định cư tại Thành phố gió Chicago.
Đặc biệt có một bài viết mang tính cách văn học, tựa đề “Nguyễn Bính: Từ Một Nhà Thơ Tình Lãng Mạn Đến Một Kẻ Đội Đèn”.
Sau khi dẫn chứng một số bài thơ của Nguyễn Bính, Vũ Uyên Giang viết:
Giữa các bài thơ tình tứ mộc mạc của thời điểm 1937 – 1942 và những bài thơ sặc mùi tuyên truyền, khẩu hiệu của Nguyễn Bính như ta đã thấy qua mấy bài tiêu biểu nêu trên là hai thái cực đối nghịch. Những bài thơ nhẹ nhàng, nên thơ với ngôn từ bình dị của thôn quê đã biến mất. Người thơ với những thi phẩm dễ thương len nhẹ vào hồn người đọc một nỗi buồn man mác, một cảm giác ngây ngây say đắm đã không còn; đã chết hẳn từ sau khi Nguyễn Bính đứng trước lá cờ đỏ búa liềm để tuyên thệ kết nạp làm đảng viên đảng cộng sản. Chỉ còn lại một anh cán bộ tuyên truyền Nguyễn Bính, công cụ của đảng, của chế độ chỉ biết nhắm mắt sáng tác theo toa đặt hàng của đảng, theo chỉ thị của đảng để phục vụ mưu đồ, toan tính của đảng...
(Trên Đường Biên Giới – trang 153)



Vũ Uyên Giang còn là một nhà thơ. Anh làm thơ như một đóng góp vào cuộc rong chơi. Tuy nhiên hơi thơ của anh rất mạnh. Ta thử đọc:


XUÂN Ở LONG GIAO
(Tặng bạn tôi Dương Hùng Cường)

Heo hút đồi cao bụi phủ mờ
Những thân còm cõi dáng chơ vơ
Bốn vòng gai sắc như dao nhọn
Đâm suốt hồn ai nhát hững hờ?

Đã mấy mùa xuân trong đớn đau
Cao su vàng lá úa u sầu
Bọn ta chung kiếp tù tăm tối
Ngày tháng chừng trôi qua rất lâu.

Từ đáy ngục sâu gặp cố tri
Cầm tay chẳng biết nói năng chi
Rưng rưng khóe mắt đôi dòng lệ
Tủi hận vương đầy trên lối đi.

Cùng đón xuân sang giữa ngục tù
Chẳng trà, chẳng bánh, chẳng hạt dưa
Uống ly nước lạnh thay men rượu
Rồi cũng rền vang mẩu chuyện xưa.

(VŨ UYÊN GIANG – Long Giao Xuân Mậu Ngọ 1978 - Trên Đường Biên Giới – trang 22)

GỬI PHẠM THIÊN THƯ

(Để nhớ khi ngồi uống cà-phê dưới gốc cây hoa vàng với Phạm Thiên Thư, năm 1981)

Bởi chưng xưa “gã từ quan”
Ngày nay ngồi ngắm hoa vàng mông lung
Xót trang bi sử ngượng ngùng
Thất phu thẹn với tang bồng nổi trôi
Mấy năm vật đổi sao dời
Hoài thân lận đận, vẫn đời hoang mang
Trước sân dăm cánh hoa vàng
Ngậm ngùi thế sự, ngàn hàng lệ sa.
(VŨ UYÊN GIANG – Sàigòn 1981)


TIỄN BẠN LƯU ĐÀY ĐẤT BẮC

Văn của Vũ Uyên Giang là văn của nhà báo. Theo thiển ý, hành văn của nhà báo khác hành văn của nhà văn. Chúng tôi vốn xuất thân từ tuần và nhựt báo. Và, chúng tôi vẫn tự hào về điều đó.
Anh viết truyện ngắn, truyện dài nếu không ăn khách, anh vẫn có thể bỏ tiền ra tự in sách cho mình, tổ chức ra mắt để... quảng cáo tên tuổi, để gỡ vốn, và hơn thế nữa, có thể kiếm lời!
Chúng tôi viết báo, sống chuyên nghiệp với nghề báo, luôn luôn cố gắng viết thế nào để bài của mình có độc giả chịu đọc! Viết phóng sự, viết truyện ngắn, truyện dài đăng hàng ngày mà độc giả không thích, không đọc chừng vài ba kỳ là anh bị Chủ nhiệm cho ngưng đăng bài hoặc cho nghỉ việc.
Hồi xưa ông bà Chủ nhiệm nào cũng canh chừng ráo riết bài vở của tờ báo. Báo không có bài hay thì không có độc giả. Trước 1975, các bài viết ở trang trong tờ nhựt báo là yếu tố chính duy trì sự sống còn của tờ báo.
Giữa các nhựt báo luôn luôn có sự cạnh tranh rất quyết liệt. Bài vở trang trong dở, tin tức trang ngoài chậm trễ thì tờ báo chắc chắn đi đoong!
Do vậy, vào thời đó, làm ký giả từ phóng viên trở lên là điều không dễ dàng!
Vũ Uyên Giang là nhà báo thứ thiệt. Văn của anh là văn của nhà báo. Tôi nói như vậy để nhấn mạnh lối hành văn hấp dẫn và trung thực của anh.
Trước khi bước chân vào làng báo Sàigòn, tôi đã nghe câu “Nhà báo nói láo ăn tiền”. Nhưng qua 45 năm theo đuổi nghiệp dĩ, tôi vẫn thấy câu đó không đúng. Nhà báo nói láo thì chắc chắn... không ăn tiền được đâu! Nhà báo nói láo, nhẹ thì bị phản đối, bị tẩy chay, nặng có thể ra tòa lãnh án tù như chơi!
Nhà báo chỉ cần viết láo một lần cũng đủ khiến khó tiếp tục hành nghề.
Mời quí độc giả đọc một đoạn rất thú vị trong quyển Trên Đường Biên Giới:
... Trần Ngọc Tự thì đã bị chuyển ra ngoài Bắc trong đợt chuyển một số lớn anh em cải tạo thuộc thành phần “ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân” như An Ninh, Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị... bị cho là nguy hiểm nên phải đày ra núi rừng Việt Bắc vào đầu năm 1977. Cái lý do Tự bị đưa đi Bắc chỉ vì anh khai cấp bậc và chức vụ là: Trung úy Chiến Tranh Chính Trị, Thư ký Tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không Quân. Bọn Việt cộng vốn ghét An Ninh, Tình Báo và Chiến Tranh Chính Trị, mà Tự lại khai là Thư ký Tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không Quân; bọn VC ngu dốt lại cho là anh có nhiệm vụ soạn tài liệu về lý tưởng cho Không quân chống cộng. Hơn nữa trong một lần học tập chính trị, Tự đã phát biểu một cách văn hoa là: “Thưa các bạn, xuyên qua quá trình lịch sử Việt Nam cận đại, đảng cộng sản Việt Nam xuyên suốt sợi chỉ hồng...”
Tên quản giáo Việt cộng ngồi theo dõi buổi học tập đã chặn anh lại và “giáo dục những kẻ lầm đường lạc lối” như sau:
- Anh Tự. Anh là một người cực kỳ phản động, vào đến đây rồi mà anh vẫn còn tiếp tục chống phá cách mạng bằng cách dùng thủ đoạn chiến tranh tâm lý để tuyên truyền xuyên tạc đường lối của đảng và nhà nước ta; đổi trắng thay đen làm suy yếu đi cái tính chất vĩ đại thần thánh của đảng cộng sản ta. Đảng cộng sản Việt Nam là một đảng vĩ đại với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt và vĩ đại của Bác, nên đã chiến thắng được 3 tên đế quốc sừng sỏ đó là Thực dân Pháp, Phát xít Nhật và Đế quốc Mỹ nên đã dẫn dắt đến chiến thắng ngày nay, giành được tự do, độc lập. Đánh bại đế quốc Mỹ và phá tan bộ máy chiến tranh khổng lồ của Ngụy quân, Ngụy quyền Sàigòn. Vậy mà anh dám xuyên tạc lịch sử Việt Nam là cận đại. Lịch sử Việt Nam chỉ có vĩ đại chứ làm gì có cận đại? Đảng cộng sản Việt Nam với biểu tượng là lá cờ đỏ rực rỡ thì anh xuyên tạc ra là sợi chỉ hồng là thế nào?
Cả tổ đã không nhịn được cười trước lý luận ngu dốt và sự hiểu biết nông cạn của tên cán bộ VC. Chính vì vậy mà y đã ghim Tự vào trong hồ sơ đen của những người ngoan cố chống đối; và hậu quả là trong đợt chuyển trại lần này nhằm đem những tên nguy hiểm ra miền Bắc, nơi có điều kiện giam giữ khắc nghiệt hơn.
Hôm Tự đi, Vũ đưa tiễn ra tận cổng trại, một đoàn người tiễn đưa bịn rịn. Tự cười toe toét, đưa tay sửa lại gọng kiếng cận thị, nói:
- Kỳ này tớ có dịp thăm lại Ninh Bình quê tớ rồi!
Vũ nhét vào tay Tự mấy vần thơ anh viết tặng Tự và dặn “... Đọc xong thì đốt đi!”

TIỄN BẠN LƯU ĐÀY ĐẤT BẮC
(Tặng Trần Ngọc Tự)

Mày đi nặng gánh lao tù
Gió mưa Việt Bắc mịt mù từ đây
Còn tao heo hút chân mây
Khổ sai, lao dịch dưới tay vượn người
Mày đi, môi vẫn mỉm cười
Cỏ cây rũ rượi khóc lời chia xa...

(Viết tại Long Giao 1977 – VŨ UYÊN GIANG
(Trên Đường Biên Giới – các trang 12, 13)


NHÀ BÁO LÃNG TỬ

Tháng 5 và tháng 6 năm 2002, hai lần Vũ Uyên Giang tới Minnesota. Dự đám cưới hai cháu Huy-Hồng. Và, đại diện gia đình người em kết nghĩa Minh Hoàng trong ngày vu quy của ái nữ của Minh Hoàng. Chú rể là con trai của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt.
Vũ Uyên Giang là nhà văn, nhà thơ và là một ký giả chuyên nghiệp trước 1975, Chủ nhiệm tạp chí Đất Sống tại North Carolina. Từ năm 2001, Đất Sống phát hành thêm tại Florida, với sự tiếp tay của nhà thơ Bùi Trần Tuấn. Tuấn là rể của cố thi sĩ Hữu Phương tức Phó Đề Đốc Nguyễn Hữu Chí, tác giả những Thi tập nổi tiếng Luống Biển, Neo Tuổi Vàng...
Là một người cầm bút, nhưng Vũ Uyên Giang có khuôn mặt và vóc dáng của một võ tướng, lại có đời sống của một tay giang hồ kỳ hiệp. Tôi nghĩ, không có vùng đất nào có thể cầm chân được một tay lãng tử. Chiếc xe của anh đã cùng anh dong ruổi: Carolina, Illinois, Florida, California... Trên xe đầy nhóc sách vở báo chí. Ở đâu Vũ Uyên Giang cũng có người thân, bạn bè. Và, Vũ Uyên Giang sẵn sàng vì bạn bè mà nghêu ngao không nhớ gì ngày tháng. Có lần, Vũ Uyên Giang làm xong tạp chí Đất Sống số tháng 6-2002, đem ra xe đưa đi in. “Bánh xe lãng tử” dừng lại dọc đường và chiếc xe đã chở thêm nhà văn nhà thơ kiêm nhạc sĩ Hà Thúc Sinh tiếp tục ngao du để rồi quên luôn việc in báo. Kết quả tạp chí Đất Sống số tháng 6-2002 đến tháng 7-2002 mới in được.
Vũ Uyên Giang sống như vậy, ngay từ trước năm 1975 chớ không phải tới bây giờ mới vậy. Hào sảng, chí tình với bạn bè. Nhiều trái tim đã thổn thức vì con người phiêu bạt nầy. Nhưng cũng không ít người, kể cả bằng hữu, thân hữu đã phật lòng vì sự trực tính của anh.
Trên tạp chí Đất Sống, Vũ Uyên Giang lập ra Quỹ Tương Trợ Văn Nghệ Sĩ, đã giúp đỡ phần nào những đồng nghiệp, văn thi hữu cũ: nhà văn Văn Quang, nhà báo Khánh Giang, nhà văn Lê Xuyên, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhà báo Hồ Nam (nhà thơ Vương Tân), nhà thơ Sa-giang Trần Tuấn Kiệt, nhà thơ Mai Trung Tĩnh...
Năm 2000, Vũ Uyên Giang ấn hành tập bút ký Trên Đường Biên Giới được độc giả và văn giới đón tiếp nồng nhiệt.
Hai lần Vũ Uyên Giang tới Minnesota, mỗi lần một tuần. Và, mười bốn ngày trong hai tuần đó, ngày nào anh cũng ngồi vào những bữa rượu của bạn bè. Ở Minnesota, Vũ có rất nhiều bạn. Tôi cũng có mấy bữa ngồi với Vũ, nhắc kỷ niệm và những người bạn cũ trong những năm làm báo ở Sàigòn.
Ngày 1-7-02, gia đình Minh Hoàng tổ chức mừng sinh nhựt Vũ Uyên Giang tại nhà hàng Seafood Palace, ở Minneapolis. Đông đảo bạn bè tới tham dự. Đặc biệt có sự hiện diện của ÔB Đoàn Viết Hoạt, nhà thơ MH Hoài Linh Phương, nhà văn Phan Nhật Nam, Trần Văn Thanh (cùng khóa 2/68 trường Bộ Binh Thủ Đức với Vũ Uyên Giang)...
Đầu tháng 9-02, Đỗ Hùng điện thoại cho biết mới “nhậu” với Vũ Uyên Giang và nhà văn Trà Nguyễn ở Georgia. Cuối tháng 9-02, Vũ điện thoại cho biết đang ngồi “nhậu” với Trà Nguyễn ở Charlotte, North Carolina. Vũ đang homeless và đang tá túc ở nhà Trà Nguyễn.
Tôi vẫn còn nghe được tiếng cười sảng khoái, hồn nhiên của Vũ trong điện thoại. Chỉ mới hơn một năm, tiệm phở, ngôi nhà, tờ báo (Tạp chí Đất Sống) và giàn máy móc dùng làm báo của Vũ đã trở thành... dĩ vãng! Bây giờ Vũ chỉ còn chiếc xe làm phương tiện nghêu ngao và... chẳng làm gì cả!
Tôi nói, “Rảnh rổi như vậy thì làm thơ tiếp đi!”
“Làm thơ thì sẽ tính sau! - Bây giờ mắc “lỳ một lam”... làm một ly với Trà Nguyễn!”
Vũ cười ha hả trong điện thoại.

Cuối tháng 12-2002, mới từ Texas trở về Minnesota tôi nhận được e-mail của Vũ Uyên Giang cho biết anh đang ở Chicago, Illinois. Đêm 24-12-2002, anh đưa ông cụ thân sinh vào bệnh viện cứu cấp và ông cụ phải nằm lại ở bệnh viện. Anh là một thành viên Ban Tổ Chức buổi ra mắt quyển “Hồi Ký Vượt Ngục” của Trà Nguyễn vào ngày 4-1-03 tại North Carolina. Không biết anh có về kịp ngày đó không? Phần tôi đã hứa với Trà Nguyễn sẽ có mặt ngày anh ra mắt sách.
Sáu tháng nay, Vũ Uyên Giang trong tình trạng nghỉ xả hơi. Tuy nhiên anh vẫn đi đây đó. Anh có vẻ vui thú với chuyện rong chơi hơn là việc lo toan sự nghiệp. Thật ra thì bạn bè chẳng ai trách anh.
Lâu lắm rồi tôi mới dùng lại hai tiếng “sự nghiệp” như một sự tình cờ. Bạn bè tôi - lứa tuổi từ sáu đến bảy mươi - ít ai bận tâm tới chuyện đó. Nhiều người bạn tôi “vừa làm vừa chơi”. Thật ra, chơi nhiều hơn làm. Không phải vì tắc trách, cũng không phải vì lêu lổng. Những người bạn đó đã cống hiến một thời tuổi trẻ cho quê hương đất nước, đã tiêu phí bao nhiêu năm tháng thanh xuân trong chốn lao tù. Bây giờ cùng một lứa bên trời lận đận, tứ xứ tha hương, nhưng những người bạn tôi vẫn chưa bỏ cuộc. Bốn tiếng “vừa làm vừa chơi” chỉ là một cách nói, một cách diễn đạt phong cách của một thế hệ thanh niên hào kiệt và hào hoa, vốn không coi bản thân mình là quan trọng trong những năm tháng mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc.
Tôi biết Vũ đang cố gắng bắt đầu lại công việc, trong đó có việc tục bản tờ Đất Sống. Nhưng anh không lộ ra những lo nghĩ của mình, cũng không muốn bạn bè lo nghĩ dùm mình. Anh vẫn bình thản, tựa hồ mọi thứ chẳng có chi nhằm nhò! Tôi đã gặp thái độ nầy ở Nguyễn Ngọc Chấn CNN, Lâm Tường Dũ, Ngọc Hoài Phương, Trần Ngọc...

Hương vị quê hương không ở đâu xa mà chính là mùi đất, mùi bùn...
... Thành sung sướng nghĩ đến ngày được đặt chân trở lại quê nhà, sống cuộc đời bình dị của người dân một nước tự do, dân chủ. Cái bóng ma cộng sản sẽ không còn là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của mọi tầng lớp dân chúng. Từ Nam ra Bắc sẽ rộn rã tiếng hò, câu hát. Từ nông thôn cho đến thành thị sẽ vang tiếng nói cười. Trên khuôn mặt rạng rỡ của các trẻ thơ sẽ không còn vẻ xanh xao vì thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng. Nguồn nhân lực dồi dào của gần hai triệu người Việt hải ngoại sẽ đổ dồn về để cùng nhau xây dựng đất nước từ đống tro tàn. Giới trẻ ở hải ngoại với trí tuệ và tri thức học hỏi được từ những văn minh tiến bộ nhất thế giới loài người sẽ góp phần xây dựng lại đất nước Việt Nam trở thành phú cường và tiên tiến nhất vùng Đông Nam Á. Với những kinh nghiệm đau thương trong lịch sử mà lớp tuổi cha anh đã góp phần, giới trẻ sẽ học được bài học quý giá về sự đoàn kết để cùng tái thiết và xây dựng đất nước từ hoang tàn đổ nát và họ sẽ có được những hướng đi mới để giữ nước. Ngày ấy, những người ở lớp tuổi như Thành, như Hải... sẽ lui về sống đời an nhàn để hưởng những hạnh phúc trân quý của chuỗi ngày còn lại trên quê hương dấu yêu thực sự tự do, dân chủ, no ấm. Anh còn nhớ một người nào đó đã viết rằng: “Không có ở đâu bằng chính quê hương của mình...”; điều đó Thành thấy đúng vô cùng. Đối với anh, thà được sống yên trên mảnh đất, thửa vườn của ông cha để tận hưởng được mùi thơm của lúa trổ đòng đòng, để tìm thấy hương vị quê hương không ở đâu xa mà chính là mùi đất, mùi bùn trong những mảnh ruộng, ao sen, mương rạch, cây trái đồng quê; trong tiếng hát câu hò trên dòng sông Tiền, sông Hậu, sông Đồng Nai...
Tất cả những thứ ấy như một hấp lực ma mãnh khiến con người ta bị cuốn hút vào cơn mê say, thèm thuồng; và chỉ khi nào được thực sự sống trong cái niềm vui ấy, trong cái xã hội bình dị ấy, nơi sinh ra và lớn lên bằng những kỷ niệm của một thời, một tuổi; người ta mới cảm thấy yên ổn trong tâm hồn.
Ôi! Mùa Xuân bao giờ mới trở lại quê tôi???
Chicago, tháng 1-1991
(Trên Đường Biên Giới – trang 132)

Mỗi ngày mình cũng nên gặp mình một lần!

Tôi không có thẩm quyền cũng như không đủ tư cách để đánh giá cuộc đời của bạn tôi, nhứt là bạn tôi lại là người cầm bút.
Qua một số việc làm của Vũ Uyên Giang mà tôi chứng kiến, tôi thấy anh là một người chính trực. Nhưng bản tánh này không có lợi cho anh và anh đã nhận lãnh những hậu quả không tránh khỏi.
Điều đáng nói là Vũ Uyên Giang đã không sờn lòng. Vẫn là Vũ Uyên Giang như từ trước 1975, một Vũ Uyên Giang ngang tàng, bất khuất có lần dám “chơi” cả anh Giám đốc Trị sự ngay trên tờ báo mà anh ta đang... “trị sự”!
Từ hồi cuối năm 2003 đến giờ, Vũ Uyên Giang trụ bộ ở thành phố San Leandro, California, dựng lại chuyện làm ăn. Mỗi lần trao đổi e-mail với anh, tôi đã hết sức dè dặt, cố gắng không nhắc chuyện thơ văn báo chí với anh. Tôi ngại mình vô tình làm cho anh lại động lòng bốn phương.
Những hệ lụy gia đình vẫn còn ràng buộc Vũ, khiến anh phải lùa ngựa vào chuồng, tra gươm vào vỏ. Gươm đã tra vào vỏ, và thanh gươm đã treo ở chỗ nào đó của một góc tâm tư, nhưng biết đâu chừng cơn ngứa tay có thể đến bất chợt và gươm sẽ được rút trở ra để múa những tuyệt chiêu cho bớt ngứa và cho... đã ghiền!
Tôi chỉ nhắc Vũ, “làm gì cũng phải để dành chút thì giờ cho sáng tác”.
Tôi vẫn nghĩ, cho dầu bận rộn tới đâu mỗi ngày mình cũng nên gặp mình một lần. Cái lần đó, theo cuộc sống và theo tuổi tác hình như càng ngày càng hiếm hoi...

PHƯƠNG TRIỀU
Texas, tháng 8-2004

No comments:

Post a Comment